Trả lời các câu hỏi tình huống khi đi phỏng vấn
Với mỗi doanh nghiệp, mỗi vị trí công việc mà các nhà tuyển dụng sẽ có phong cách và phương pháp phỏng vấn khác nhau. Tuy vậy, có một phương pháp vô cùng phổ biến, được hầu hết các nhà tuyển dụng sử dụng trong quá trình phỏng vấn, đó chính là phỏng vấn tình huống.
Vì sao phỏng vấn tình huống được nhiều nhà tuyển dụng lựa chọn?
Phỏng vấn tình huống, hay còn được gọi là câu hỏi hành vi, là những câu hỏi yêu cầu ứng viên chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công việc hoặc đưa ra cách xử lý một tình huống giả định nào đó có thể xảy ra đối với vị trí ứng tuyển.
Một số dạng câu hỏi tình huống:
- Nếu…, bạn sẽ làm gì?
- Trong khoảng thời gian ở…, bạn đã…?
- Bạn đã bao giờ ở vị trí mà ... Trong trường hợp đó, bạn đã xử lý như thế nào?
Nếu như nhà tuyển dụng nắm được thông tin giới thiệu tổng thể về trình độ học vấn cũng như kinh nghiệm của bạn thông qua sơ yếu lý lịch thì các câu hỏi phỏng vấn tình huống này sẽ giúp họ hiểu hơn về đặc điểm tính cách và tư duy giải quyết vấn đề của bạn, cung cấp cho họ cơ sở đánh giá liệu xem ứng viên có phù hợp với tính chất công việc hay không. Bên cạnh đó, họ còn có thể đánh giá hiệu suất làm việc của ứng viên dựa trên những hành vi trong quá khứ.
Do vậy, trả lời những câu hỏi phỏng vấn này một cách trơn tru là điều vô cùng cần thiết.
Cách trả lời câu hỏi tình huống
Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta phải đánh giá tình huống thật kỹ lưỡng thì mới có thể đưa ra lời đáp thuyết phục và đáng tin.
Cách tốt nhất, hãy sử dụng phương pháp STAR (Situation - Task - Action - Result). Lưu ý, cần thay thế “Task” bằng vấn đề liên quan nhất đến câu hỏi.
Cụ thể phương pháp STAR:
Giải thích tình huống (Situation): Trước khi đi sâu vào các bước bạn đã làm để giải quyết vấn đề, bạn cần giải thích tình huống tương tự mà bạn đã gặp phải. Bạn có thể trình bày các chi tiết bao gồm loại hình công ty, quy trình xử lý mọi việc hiện có và những gì đang bị đe dọa;
Mô tả vấn đề (Task): Tiếp theo, hãy mô tả vấn đề và nguyên nhân gây ra vấn đề. Đây là vấn đề ập đến bất ngờ hay bạn và công ty cũ đã có sự dự liệu? Ai là người bị ảnh hưởng khi vấn đề này xảy ra? Vấn đề này ảnh hưởng ra sao đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của bạn? Vai trò bạn đảm nhận trong quá trình giải quyết vấn đề là gì?
Đưa ra hành động bạn đã thực hiện để khắc phục sự cố (Action): Lưu ý khi vạch ra phương án mà bạn sử dụng để xử lý tình huống, hãy trình bày cả hành động lẫn quá trình tư duy dẫn đến hành động đó. Chẳng hạn như: Bạn xác định giải pháp tốt nhất bằng cách nào? Bạn đề ra phương án bằng cách thảo luận với các thành viên khác trong nhóm hay sử dụng phương án đã được áp dụng từ trước?
Nói về kết quả (Result): Trục trặc đó có được giải quyết triệt để hay không? Kết quả cuối cùng là gì? Hãy đề cập cụ thể về kết quả mà các hành động trên đem lại thông qua các con số để tăng sự thuyết phục cho câu trả lời.
Trả lời theo cấu trúc này không chỉ giúp bạn hạn chế tối đa việc trình bày lan man, đi sâu vào những chi tiết không cần thiết mà còn làm cho câu trả lời của bạn thêm phần thú vị.
4 câu hỏi tình huống thường gặp khi đi phỏng vấn
Kể về một lần bạn gặp khó khăn trong công việc và cách bạn xử lý khó khăn đó.
Khó khăn bạn gặp phải là gì → Vấn đề xuất phát từ ai → Khó khăn đó ảnh hưởng đến bạn như thế nào → Khó khăn đó ảnh hưởng đến khách hàng và doanh nghiệp như thế nào → Bạn giải quyết vấn đề như thế nào → Cách giải quyết đó giúp gì cho uy tín và sự phát triển của doanh nghiệp bạn
Hãy trả lời sao cho nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là một người bình tĩnh, chủ động, có kỹ năng giải quyết vấn đề tuyệt vời.
Bạn sẽ làm gì khi khách hàng bất mãn, nổi giận với sản phẩm/dịch vụ của công ty?
Bạn làm công việc gì ở quá khứ → Điều gì gây ra sự bất mãn của khách hàng → Trong tình huống đó bạn đã làm gì → Thái độ của khách hàng sau khi bạn giải quyết vấn đề như thế nào
Trong câu trả lời này, cho thấy nhà tuyển dụng thấy bạn là người có khả năng nắm bắt tình huống và biết làm thế nào để giải quyết sự bất mãn của khách hàng.
Khi phải làm việc với đồng nghiệp khó chịu, bạn sẽ làm gì?
Bạn làm vị trí gì ở công ty cũ → Ai là người bạn khó chịu → Lý do bạn khó chịu với đồng nghiệp → Sự bất đồng đó có ảnh hưởng gì tới khách hàng hay doanh nghiệp không → Nếu có, bạn đã làm gì để giải quyết vấn đề gây ra với khách hàng hoặc doanh nghiệp → Thái độ của khách hàng và doanh nghiệp sau khi bạn giải quyết → Với đồng nghiệp, bạn đã giải quyết như thế nào → Thái độ của đồng nghiệp → Mối quan hệ của bạn và đồng nghiệp sau đó → Suy nghĩ của bạn về bất đồng này
Trong trường hợp này, người được phỏng vấn hãy thể hiện kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo tuyệt vời trong cách nói chuyện riêng với đồng nghiệp và thảo luận vấn đề.
Nếu bạn mắc lỗi và không ai biết điều đó, bạn sẽ làm gì?
Là con người thì không có ai là không mắc sai lầm, bởi vậy thay vì cố gắng che đậy, hãy thừa nhận sai lầm và đưa ra cách khắc phục.
Cấu trúc mẫu: Vị trí bạn làm ở công ty cũ → Bạn mắc lỗi gì → Lý do khiến bạn mắc lỗi → Bạn có nhận thức được lỗi lầm của mình hay không → Bạn đã làm gì để giải quyết sai sót của mình → Sau đó bạn rút ra cho mình bài học gì
Hãy trả lời sao cho người phỏng vấn nhận ra rằng bạn là người có trách nhiệm và sẵn sàng thừa nhận sai lầm mình gây ra.