Teamwork - kỹ năng làm việc nhóm
Teamwork (làm việc nhóm) là hoạt động diễn ra thường xuyên trong cả quá trình học tập của học sinh, sinh viên và quá trình làm việc người lao động ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Khái niệm teamwork
Kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) là thuật ngữ chung để chỉ khả năng phối hợp và tương tác giữa hai hay nhiều người nhằm mục đích cuối cùng là giải quyết công việc chung đạt hiệu quả cao nhất.
Mỗi thành viên trong nhóm đều có những điểm mạnh riêng. Nhờ kết hợp của những điểm mạnh này, hiệu suất công việc mới được nâng cao và đạt được các mục tiêu quan trọng.
Đặc điểm của Teamwork
Bất kỳ nhóm nào, dù là nhóm quy mô lớn hay quy mô nhỏ, đều có 4 đặc điểm chung sau đây:
- Tính tương tác
- Tính chuyên môn
- Tính thống nhất
- Tính kỷ luật
Những vấn đề thường gặp khi làm việc nhóm
1. Quá nể nang
Không phủ nhận tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ tôn trọng và thân thiết với các đồng nghiệp. Tuy nhiên một khi đã làm việc chung thì ai cũng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Do vậy, chúng ta không nên quá nể nang mà ủng hộ ý kiến sai trái của đồng nghiệp, hoặc vì sợ cấp trên/ anh chị phật lòng mà không dám đưa ra ý kiến cá nhân.
2. Không có chính kiến
Một số người sợ mình phát biểu sai hoặc sợ bị người khác phản đối mà chọn cách đồng ý hoàn toàn với ý kiến của người khác. Nhiều trường hợp, người đó còn tán thành một cách bất chấp mà chưa kịp hiểu ý đồng đội nói gì hoặc là trong lòng không đồng ý nhưng vẫn giơ tay chấp nhận. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, phải có tranh luận thì mới có hướng giải quyết tốt nhất. Mỗi góc nhìn riêng của từng người sẽ giúp những vấn đề của đề tài đó được nổi bật lên, từ đó tìm ra hướng đi đúng đắn.
3. Đùn đẩy trách nhiệm
Vấn đề này giống với tình trạng “cha chung không ai khóc”, có thể hiểu là là người này nghĩ đây là trách nhiệm của người khác, trong khi đó người khác lại cho rằng đây không phải là nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, có những trường hợp mọi người đưa ra một loạt lý lẽ để không phải nhận công việc. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, leader không phổ biến và phân công công việc rõ ràng cho từng người. Thứ hai, tinh thần tự giác của các thành viên quá kém.
Cải thiện kỹ năng Teamwork hiệu quả
1. Nhận xét
Nhận được những ý kiến, phản hồi khách quan từ mọi người trong nhóm là một cách tuyệt vời để bản thân nhận thức được những điểm yếu cần cải thiện. Từ đó, bạn có thể cải thiện hiệu suất của mình bằng cách tập trung khai thác và phát huy điểm mạnh; loại bỏ, khắc phục những sai sót.
2. Học cách quan sát
Nếu bạn chưa biết làm sao để cải thiện kỹ năng làm việc nhóm, hãy chú ý đến những đồng nghiệp mà bạn cho là có kỹ năng làm việc nhóm nhất. Bạn có thể quan sát, ghi nhớ những hành vi, thái độ tích cực của họ hay xin họ lời khuyên; từ đó tìm cách áp dụng những hành vi và thái độ đó vào tương tác của riêng bạn với nhóm. Nhờ vậy, bạn sẽ tự phát cải thiện kỹ năng teamwork của mình và thậm chí phát triển cả những kỹ năng mới.
3. Tạo độ tin cậy và đúng giờ
Không một ai muốn làm việc nhóm với những người luôn “trễ deadline” hoặc bị mọi người đánh giá là “giờ cao su”. Nếu bạn đang rơi vào trường hợp này thì ngay hôm nay, hãy học cách hoàn thành công việc đúng hạn và đúng giờ nếu muốn tiếp tục đồng hành lâu dài với các thành viên trong nhóm. Bằng không, nếu bạn để tình trạng này tiếp diễn, bạn sẽ làm chậm tiến trình của dự án, ảnh hưởng tới kết quả của những người khác và chắc chắn sẽ khiến những người khác khó chịu với bạn.
4. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Cho dù giao tiếp qua điện thoại, qua email hay giao tiếp trực tiếp, bạn cần học cách giao tiếp hiệu quả, ít nhất làm sao có thể truyền đạt rõ ràng ý tưởng của bạn cho những người khác. Những cá nhân có kỹ năng giao tiếp kém thường rất khó hòa nhập trong một nhóm. Bởi vậy, đây là một trong những kỹ năng quan trọng mà nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao trong mọi cuộc phỏng vấn xin việc.
5. Học cách lắng nghe
Hãy học cách lắng nghe theo hướng dẫn của cấp trên, lắng nghe ý kiến đóng góp của những thành viên khác trong nhóm và lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía khách hàng/giáo viên. Một người không có kỹ năng lắng nghe tốt sẽ rất khó để thấu hiểu ý tưởng của người khác, làm giảm hiệu quả của công việc.
6. Quản lý xung đột
Khi làm việc căng thẳng, áp lực, xích mích xảy ra giữa các thành viên trong nhóm là điều không thể tránh khỏi. Để nhóm tiếp tục hoạt động tốt, không chỉ cần đến sự giải quyết ổn thỏa, khéo léo của leader mà còn cần sự đồng lòng của tất cả các thành viên. Họ phải biết kiềm chế bản thân, không bộc phát sự tức giận gây ảnh hưởng đến môi trường và không khí làm việc.
7. Mạnh dạn phát biểu ý tưởng cá nhân
Hãy cứ mạnh dạn nêu lên quan điểm bản thân, đừng sợ sệt, lo lắng quan điểm của mình sai hay bị bác bỏ. Nếu ý kiến của bạn được ghi nhận, bạn sẽ có đóng góp không nhỏ vào kết quả chung của cả nhóm. Nếu ý kiến bị bác bỏ cũng không cần lo lắng, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề và phát hiện mình sai ở đâu để tìm cách khắc phục.
8. Thiết lập mục tiêu
Đặt ra các mục tiêu cụ thể và bùng nổ trong phạm vi có thể thực hiện là một chiến thuật mạnh mẽ để nâng cao tinh thần teamwork của tất cả thành viên trong nhóm. Cần đảm bảo mọi người phải luôn bám sát mục tiêu đó mọi lúc mọi nơi khi giải quyết công việc.
Để thiết lập mục tiêu, có thể dựa vào nguyên tắc SMART:
- S (Specific): Cụ thể, dễ hiểu
- M (Measurable): Đo lường được
- A (Atainable): Khả thi
- R (Realistic): Thực tế
- T (Time bound): Thiết lập thời gian cụ thể