與企業攜手達到國際水準
提升國家品牌地位

MENU
KNA Cert - Quality Innovation

Rèn luyện tư duy phản biện

Tư duy phản biện giúp bạn hiểu một cách sâu sắc hơn về các vấn đề trong công việc và cuộc sống, từ đó đào sâu và phát triển vấn đề, giúp bạn ghi điểm trong lớp học hay trong công ty.

Thế nào là tư duy phản biện?

Tư duy phản biện là quá trình biện chứng, phân tích, đánh giá, đặt câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề và khẳng định tính chính xác của vấn đề ấy. Để lập luận phản biện thành công, cần chú ý đến tính logic, tính xác thực, đánh giá các chi tiết dựa trên tinh thần công tâm và khách quan nhất.

Việc khuyến khích và phát triển tư duy phản biện sẽ giúp việc tiếp nhận thông tin trở nên chủ động hơn, từ đó con người giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng.

Phân loại tư duy phản biện

Có 2 loại tư duy phản biện chính:

  • Tư duy phản biện tự điều chỉnh

Mỗi khi gặp phải một vấn đề nào đó, bản thân chúng ta thường có những ý kiến chủ quan của riêng mình. Những ý kiến này có thể đúng nhưng cũng có thể sai. Do vậy, chúng ta cần có tư duy phản biện tự điều chỉnh để tự đánh giá, phân tích hay phản bác những ý kiến chủ quan ấy. Từ đó, chúng ta có thể tiến hành điều chỉnh những lập luận đó sao cho khách quan và hoàn chỉnh nhất.

  • Tư duy phản biện ngoại cảnh

Nếu tư duy phản biện tự điều chỉnh là tư duy của mỗi cá nhân, thì tư duy phản biện ngoại cảnh lại là cách chúng ta xử lý vấn đề khi ở trong một cộng đồng, một tập thể, nơi tồn tại những suy nghĩ và lập luận khác nhau. Trong môi trường như vậy, đôi khi sẽ xuất hiện những ý kiến trái chiều hay những nhận định sai lệch.

Lúc này, để giải quyết vấn đề nhanh gọn và đúng hướng nhất, bạn có thể đi theo trình tự 3 bước sau:

  • Bước 1: Nhận thức được những điểm khác biệt trong ý kiến, quan điểm, lập luận của mình với mọi người và tiếp nhận chúng.
  • Bước 2: Dựa trên ý kiến của những người xung quanh để đưa ra đánh giá, nhận định một cách khách quan nhất.
  • Bước 3: Phản biện lại những thông tin, ý kiến sai lệch dựa trên quan điểm của bản thân theo tinh thần công tâm, tôn trọng sự thật và chân lý.

Làm sao để rèn luyện tư duy phản biện?

Luôn đặt câu hỏi và xem xét vấn đề

Việc đầu tiên chúng ta cần làm khi tiếp nhận một thông tin mới đó là xem xét và đặt câu hỏi để khẳng định tính xác thực của thông tin. Ngoài ra, việc đặt câu hỏi như vậy cũng giúp chúng ta hiểu vấn đề một cách sâu sắc và chi tiết, đồng thời ghi nhớ thông tin tốt hơn là khi chỉ tiếp nhận một cách thụ động.

Bên cạnh đó, câu hỏi giả định này còn giúp bạn định hình rõ hơn quan điểm của bản thân, từ đó ngày càng hoàn thiện nhận thức hoặc phát hiện ra lỗ hổng trong lập luận của mình.

Đánh giá mọi việc một cách khách quan

Suy nghĩ chủ quan chính là rào cản lớn nhất của tư duy phản biện. Việc đặt nặng cái tôi hay quan điểm cá nhân của mình có thể dẫn đến những nhận định sai lệch đáng tiếc. Do vậy, bạn cần xây dựng lập luận logic, khách quan trong mọi trường hợp và tập từ bỏ góc nhìn chủ quan và những suy nghĩ cảm tính của mình. 

Để có thể đánh giá vấn đề dưới nhiều góc độ, hãy không ngừng học tập, trau dồi thêm kiến thức và rèn luyện khả năng quan sát. Trở thành người có kiến thức sâu rộng và am hiểu nhiều khía cạnh trong cuộc sống không chỉ giúp bạn lược bỏ được những suy nghĩ chủ quan, lối mòn mà còn giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống. Bởi vậy, đừng ngại học hỏi mỗi ngày để hoàn thiện bản thân.

Đánh giá tình hình thực tiễn để đưa ra kết luận

Chắc chắn con người ta sẽ không tránh khỏi những suy nghĩ trái chiều trong quá trình thực hiện tư duy phản biện. Lúc này, đừng vội đưa ra kết luận, bởi có khả năng bạn sẽ đưa ra những ý kiến sai lệch nếu kết luận dựa trên cảm tính.

Vì thế, hãy bình tĩnh, tiếp tục phân tích dựa trên tình hình thực tế, những điều đã được chứng minh và xác thực để từ đó đúc kết và đưa ra kết luận sau cùng.

Cách đặt câu hỏi phản biện

Lưu ý, việc đặt câu hỏi phản biện ở đây là cách để làm sáng tỏ vấn đề chứ không phải để tranh cãi hoặc giành phần thắng về mình. Chỉ có như vậy thì cách đặt câu hỏi của bạn mới hữu ích và có ý nghĩa.

Trước khi phản biện, hãy cân nhắc thật kỹ những câu hỏi sau:

  • Vấn đề này có quan trọng không? Có cần thiết phải thảo luận không?
  • Bạn đưa ra kết luận dựa trên những yếu tố gì?
  • Liệu có tồn tại giả thiết nào khác cho vấn đề này hay không?
  • Nếu bạn sai, điều gì sẽ xảy ra? Điều này có ảnh hưởng như thế nào?

Cần lưu ý, trước khi bắt đầu suy nghĩ gì, hãy luôn nhớ rằng đừng bao giờ thiên vị. Thiên vị chính là “mũi dao sắc nhọn” loại bỏ sự công tâm của bạn. Thay vào đó, luôn sẵn sàng và cởi mở khi lắng nghe những ý kiến trái chiều và chấp nhận việc bạn có thể sai mới là hướng suy nghĩ đúng đắn.
 

KNA đồng hành cùng bạn trên chặng đường vươn xa phía trước
Cùng phát triển bền vững & thịnh vượng

back to top
mesenger zalo
phone
0968.038.122
下載價目表