Rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông
Kỹ năng thuyết trình giúp ích cho con người không chỉ trong quá trình học tập mà còn trong sự nghiệp tương lai. Do vậy, việc phát triển và cải thiện kỹ năng này là vô cùng cần thiết.
Thuyết trình là gì?
Thuyết trình là việc sử dụng lời nói, tông giọng và ngôn ngữ cơ thể để truyền tải ý tưởng, thông tin cho đối tượng người nghe.
Có 4 kiểu thuyết trình:
- Thuyết trình thuyết phục
- Thuyết trình mang tính hướng dẫn
- Thuyết trình cung cấp thông tin
- Thuyết trình truyền cảm hứng
Cần lưu ý, thuyết trình và trình bày là hai khái niệm khác nhau. Trình bày là đọc dựa trên bản nháp có sẵn, trong khi đó thuyết trình là trình bày có sự tương tác với người nghe và có sự hỗ trợ của video, slides…
Cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông
1. Kết nối với khán giả trước khi thuyết trình
Mục đích của công việc này là để xua tan không khí căng thẳng của buổi thuyết trình cũng như thu hút sự chú ý của người nghe. Bạn có thể hỏi khán giả một câu hỏi đơn giản về bản thân họ trong 60 giây đầu tiên, sau đó yêu cầu họ trả lời bằng cách giơ tay (“Hãy giơ tay lên nếu bạn đã từng…”).
Vậy tại sao lại là 60 giây? Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người nghe có thể mất toàn bộ sự chú ý vào bài thuyết trình nếu họ mất chú ý trong phút đầu tiên. Do vậy, nếu bạn đặt một câu hỏi ngay từ đầu buổi thuyết trình, và nếu khán giả sẵn sàng giơ tay để trả lời câu hỏi, tức là bạn đã thành công trong việc khơi dậy tương tác và thiết lập một kết nối nhỏ với khán giả rồi đó.
Ngoài ra, một cách đơn giản khác để tạo mối liên hệ khi bắt đầu bài thuyết trình là kể một câu chuyện cười. Bản thân một trò đùa đã là một cách thông minh để tương tác với khán giả bởi đó là một phản ứng tự nhiên của con người.
2. Kiểm soát tông giọng và tốc độ nói
Khi nói chuyện hay trình bày, giọng điệu của bạn sẽ một phần truyền đạt ý nghĩa và thái độ của bạn với người nghe. Trong bài thuyết trình, tông giọng không chỉ ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận về bạn mà còn ảnh hưởng tới sự sẵn sàng lắng nghe của họ khi bạn trình bày.
Tông giọng trầm thường được ưu tiên sử dụng, bởi nó không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà bạn cũng sẽ không bị hụt hơi khi nói nhiều.
Bên cạnh đó, tốc độ nói cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của bài thuyết trình. Nói quá nhanh thì người nghe không nắm bắt được ý chính, nói quá chậm thì lại khiến người nghe khó chịu. Vì vậy, nếu bạn chưa tìm ra tốc độ nói phù hợp, hãy ghi âm lại bài thuyết trình của mình và nghe lại, sau đó luyện tập để rèn tốc độ nói vừa phải.
3. Tự tin vào bản thân
Đây là một cách hiệu quả để bạn tự tạo động lực cho bản thân. Hãy tự “thôi miên” mình rằng mình thuyết trình rất tốt, mọi người đều rất thích thú với bài nói của mình. Mặc dù phương pháp này không giúp bạn giảm căng thẳng nhưng nó sẽ tiếp thêm năng lượng, khiến bạn cảm thấy phấn khích hơn, hào hứng hơn trước khi nói, từ đó có thể giúp bạn thuyết trình trơn tru, mượt mà hơn.
4. Làm thật tốt công tác chuẩn bị
Một người dù có khả năng thuyết trình tốt đến đâu nhưng nếu không chuẩn bị trước một cách kỹ lưỡng thì khả năng nói vấp hoặc không tự tin vẫn có thể xảy ra. Một khi tập dượt nhiều lần và chú tâm dành thời gian chỉnh sửa những phần chưa ổn, bạn có thể giảm thiểu 75% nỗi sợ, ngay cả khi đây là lần đầu tiên bạn thuyết trình trước đám đông.
5. Thư giãn, thả lỏng cơ thể
Một bài thuyết trình thành công không chỉ dựa vào giọng nói mà còn dựa vào ngôn ngữ cơ thể. Vì vậy trước khi thuyết trình, hãy thả lỏng cơ thể bằng cách hít một hơi thật sâu, ưỡn ngực, thẳng lưng, hơi đưa vai ra sau. Nhờ vậy bạn sẽ cảm thấy mình thoải mái và tự tin hơn rất nhiều.
6. Quan sát và học hỏi
Ai khi bắt đầu cũng đều “gà mờ”, thiếu chuyên nghiệp. Bởi vậy, để rèn luyện cho bản thân trước khi thuyết trình chính thức, hãy quan sát phong thái thuyết trình của MC hoặc bất kỳ ai mà bạn yêu thích để học hỏi cách lên giọng, xuống giọng, cách nhấn nhá thông tin quan trọng cũng như cách họ tương tác với khán giả của mình.
7. Coi khán giả như bạn bè
Phần lớn mọi người cảm thấy sợ hãi, thiếu tự tin khi thuyết trình vì những người ngồi bên dưới lắng nghe hầu như là những gương mặt xa lạ. Vì vậy, để giải quyết điều này, bạn có thể coi họ như những người bạn của mình. Hãy tự nhẩm rằng bạn không phải đang thuyết trình mà chỉ đơn giản là chia sẻ kiến thức với họ thôi. Từ đó bạn sẽ đỡ cảm thấy lo lắng hơn.
8. Không học thuộc một cách cứng nhắc
Nếu bạn học thuộc cứng nhắc từng câu từng chữ trong bài và thuyết trình theo kiểu máy móc không những làm bài thuyết trình của bạn thiếu tự nhiên mà còn làm bạn dễ mắc lỗi, nói vấp. Lý do là bởi chỉ cần bất chợt một giây phút nào đó bạn quên mất mình định nói gì, người bạn sẽ bỗng dưng cứng đờ và không thể nhớ ra nội dung phần tiếp theo, khiến nội dung buổi thuyết trình hôm đó coi như thất bại. Bạn chỉ nên học ý chính và diễn đạt lại theo văn phong của mình là được.
Những yếu tố tạo nên một bài thuyết trình hay và cuốn hút
- Người thuyết trình có phong thái tự tin, giao tiếp ánh mắt với khán giả kết hợp với ngôn ngữ cơ thể;
- Phần mở đầu tương tác tốt với người nghe, gây ấn tượng và nhận được sự chú ý của khán giả;
- Nội dung slide dễ hiểu, không quá nhiều chữ, thiết kế khoa học;
- Nội dung thuyết trình đi vào trọng tâm, không lan man dài dòng;
- Giọng nói dễ nghe, không phát âm sai chính tả, âm lượng vừa đủ;
- Thời gian thuyết trình vừa đủ, không nên quá ngắn cũng không nên quá dài;
- Phần kết thúc tổng hợp lại được nội dung chính của bài;
- Cách giải thích dễ hiểu.