Những “hòn đá” ngáng đường sự nghiệp
Nếu ví con đường sự nghiệp với một thứ gì đó, hẳn thứ đó sẽ là tàu lượn siêu tốc. Có những lúc bạn sẽ lao vun vút về phía trước với tốc độ cực nhanh, nhưng cũng có những khi bạn cảm giác như bị mắc kẹt, muốn thoát ra mà không biết đi đâu. Nếu công việc của bạn gần đây không có chuyển biến tích cực hoặc không hứa hẹn một cơ hội thăng tiến thì bạn nên nhìn nhận xem có phải đã có chướng ngại vật ngáng đường sự nghiệp của bạn hay không. Cùng với đó, bạn cũng cần định hướng lại cho bản thân để không bị mắc kẹt trên con đường công danh.
Cảm thấy công việc nhàm chán
Nếu công việc hàng ngày lặp đi lặp lại mà không có bất kỳ sự thay đổi nào, bạn sẽ dễ dàng đánh mất cảm giác hào hứng ban đầu. Khi đòn bẩy động lực của bạn không còn, bạn sẽ không còn khao khát muốn cạnh tranh và nỗ lực hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ được giao nữa.
Đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn cần thay đổi. Đừng ngần ngại chủ động tham gia một dự án của nhóm hay phòng ban khác để thử thách bản thân với những nhiệm vụ mới. Sự trải nghiệm này không chỉ là cơ hội để bạn tiếp xúc với những ngành nghề, công việc mới mà nó còn giúp bạn phát huy những kỹ năng tiềm ẩn mà vị trí cũ chưa làm nổi bật lên được. Nhờ đó, bạn có thể vực dậy tinh thần lao động tích cực sau khoảng thời gian làm việc quá quen thuộc và nhàm chán.
Quá im lặng
Bạn sẽ không thể yêu cầu bất kỳ ai khác ngoài bản thân đọc vị suy nghĩ và mong muốn, nhu cầu của bạn. Trong trường hợp sự nghiệp của bạn đang bị ngáng đường hay cản trở bởi một hoặc nhiều vấn đề nào đó, hãy mạnh dạn lên tiếng với sếp và đồng nghiệp của mình.
Bạn có thể chủ động tìm gặp sếp hoặc cấp trên trong một cuộc họp riêng để thảo luận về những mục tiêu và mối quan tâm của bạn. Tuy nhiên, cần lưu ý, trước khi đề cập đến các vấn đề mà bạn lo ngại, đừng quên thể hiện mong muốn làm việc và thành công trong sự nghiệp. Điều này sẽ chứng tỏ được rằng bạn thực sự suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này và điều đó sẽ phục vụ cho sự phát triển của công ty.
Trái lại, việc quá im lặng và giữ kín những suy nghĩ, vấn đề của bản thân cho riêng mình sẽ chỉ khiến bạn xa rời đồng nghiệp và không mang lại bất kỳ cơ hội thăng tiến nào.
Vòng tròn quan hệ quá hẹp
Để phát triển sự nghiệp, dù cho bạn đặt mục tiêu thăng tiến hay có ý định thay đổi công việc thì các mối quan hệ luôn là một kênh vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, bạn đừng nhầm lẫn rằng việc thiết lập nhiều mối quan hệ là lợi dụng lẫn nhau, mà đó đơn giản chỉ là sự tương trợ. Trên con đường công danh sự nghiệp, bạn sẽ cần những người đồng hành cùng mình. Người bạn gặp là ai và bạn lựa chọn ai làm người cố vấn cho mình sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của bạn.
Tốt nhất, hãy cố gắng tìm kiếm trong số những đồng nghiệp đã thành công trong lĩnh vực bạn đang làm hay những người ngoài công ty thông qua các mối quan hệ khác. Nhờ những người cố vấn này, con đường thăng tiến của bạn sẽ phần nào được định hướng và những kỹ năng cơ bản cần thiết đầu tiên cũng sẽ có cơ hội để phát triển.
Ngoài ra, bạn có thể tham gia các sự kiện hoặc hội thảo về ngành nghề công việc bạn đang làm để được gặp gỡ, học hỏi từ những người bên ngoài cũng như mở rộng các mối quan hệ mới, giúp ích cho việc phát triển sự nghiệp sau này.
Thương hiệu cá nhân bị suy giảm
Chỉ một lần không kiềm chế được mà bùng nổ cảm xúc tiêu cực hay một lần quá chén trong bữa tiệc của công ty mà làm ra hành động sai lầm tại nơi làm việc đều có thể khiến thương hiệu cá nhân của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phá hỏng cơ hội thăng tiến tiềm năng của bạn.
Để gây dựng lại hình ảnh bản thân và lấy được sự tín nhiệm một lần nữa đòi hỏi những nỗ lực lớn trong một thời gian dài, nếu sơ sẩy đánh mất bạn có thể khó lòng có lại được lần nữa.
Bên cạnh đó, bạn có thể tìm cách gia tăng giá trị bản thân bằng cách tham gia các hoạt động tình nguyện, thể thao hoặc từ thiện do công ty vận động, tổ chức.
Không phù hợp với văn hóa công ty
Có thể bạn là người có kỹ năng và kiến thức chuyên môn tốt nhất, tuy nhiên, nếu không thể hòa hợp với những thành viên còn lại trong nhóm hoặc trong công ty, bạn sẽ khó mà thành công trong môi trường hiện tại.
Hãy xem xét thật kỹ lưỡng và cẩn thận các giá trị cốt lõi của bản thân và môi trường làm việc lý tưởng mà bạn mong muốn, bao gồm phong cách lãnh đạo, cách giao tiếp, phương pháp làm việc nhóm… Nếu bạn và công ty hiện tại không có điểm giao chung trong nhiều vấn đề, đây có lẽ là lúc bạn nên tìm kiếm một môi trường làm việc mới phù hợp với bản thân hơn.
Tóm lại, nếu cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề để từ đó xác định hướng đi phù hợp. Hãy nhớ luôn phải chủ động, mạnh dạn hành động để bản thân thoát khỏi những rào cản, hòn đá chắn đường, thăng tiến trong sự nghiệp thay vì dậm chân tại chỗ.